Các cách làm giảm đau bụng kinh hiệu quả
Đau bụng kinh (đau bụng đến tháng) là hiện tượng rất bình thường. Tuy nhiên, đau bụng kinh có nhiều mức độ khác nhau có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến công việc cũng như sinh hoạt hàng ngày. Tại bài viết dưới đây, Trung Nguyên sẽ chia sẻ cho bạn từ A-Z về các cách giảm đau bụng kinh hiệu quả.
Đau bụng kinh là gì?
Đau bụng kinh thường xuất hiện trước hoặc trong quá trình hành kinh, đây có thể là những cơn co thắt hoặc đau nhói. Những cơn đau này đa phần khiến phụ nữ cảm thấy phiền nhiễu và khó chịu. Có thể ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt trong những ngày đau bụng.
Những người mắc các bệnh như: u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung khi đến tháng cơn đau bụng thường sẽ nghiêm trọng hơn. Còn những người không mắc các bệnh lý trên cơn đau thường giảm dần theo tuổi tác và giảm nhiều sau khi sinh con.
Các loại đau bụng kinh
Đau bụng kinh được chia thành 2 loại chính là: đau bụng kinh nguyên phát và đau bụng kinh thứ phát.
Đau bụng kinh nguyên phát: đây là loại đau bụng kinh không liên quan đến các bệnh lý khác. Cơn đau này thường xuất hiện lặp đi lặp lại trong những lần có kinh nguyệt. Đối với trường hợp này, bạn thường cảm thấy cơn đau xuất hiện ở vùng bụng dưới, có thể kèm theo cơn đau lưng hoặc đau đùi. Một số trường hợp có cảm giác mệt mỏi, tiêu chảy hoặc buồn nôn.
Đau bụng kinh thứ phát: đây là loại đau bụng kinh liên quan đến bệnh lý hoặc rối loạn cơ quan sinh sản ở phụ nữ. Cơn đau thường xuất hiện trước khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu và kéo dài hơn những cơn đau bụng kinh thông thường. Tuy nhiên cơn đau bụng kinh thứ phát đa phần không kèm theo các triệu chứng như: mệt mỏi, tiêu chảy, buồn nôn.
Nguyên nhân gây đau bụng kinh
Ở phụ nữ, hàng tháng trứng sẽ rụng theo chu kỳ khi không được thụ tinh. Lúc này, tử cung sẽ tăng cường co bóp làm bong lớp niêm mạc và tống ra khỏi cơ thể.
Trong quá trình tử cung co lại, các mạch máu tại niêm mạc tử cung bị chèn ép khiến máu và oxy cung cấp cho tử cung bị gián đoạn. Khi tử cung thiếu oxy, các mô tử cung sẽ giải phóng ra các chất hóa học gây đau.
Ngoài ra, trong quá trình hành kinh chất trung gian hóa học prostaglandin (chất khiến tử cung co bóp mạnh và nhiều hơn) được tăng sản xuất gây ra tình trạng đau.
Đau bụng kinh do vấn đề về sức khỏe
Có thể cơn đau bụng kinh do một số bệnh lý khác gây ra. Thông thường những người phụ nữ có độ tuổi từ 30 – 45 có thể mắc một số bệnh lý tiềm ẩn khiến tình trạng đau bụng diễn ra dữ dội như:
- U xơ tử cung
- Lạc nội mạc tử cung
- Hẹp cổ tử cung
- Viêm vùng chậu
- Bệnh tuyến tử cung
Đau bụng kinh do dụng cụ tránh thai gây ra
Sử dụng biện pháp tránh thai bằng phương pháp đặt vòng tránh thai cũng có thể khiến bạn bị đau bụng kinh, đặc biệt là trong vài tháng đầu sau khi đặt.
Đau bụng kinh do những nguyên nhân khác
Ngoài những trường hợp trên, nếu cơn đau bụng của bạn khác lạ hơn so với những kỳ kinh nguyệt trước đây. Cơn đau kéo dài và đau dài lâu hơn, hoặc gặp phải các tình trạng: chảy máu giữa các kỳ kinh, dịch âm đạo tiết ra có mùi hôi hoặc đặc hơn, kinh nguyệt diễn ra không đều, cảm thấy đau sau khi quan hệ tình dục thì nên đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị.
Tổng hợp các phương pháp làm giảm đau bụng kinh hiệu quả
Massage
Massage sẽ giúp cơ bụng giãn ra, làm giảm những cơn co thắt đột ngột. Bạn chỉ cần dùng tay massage vùng bụng nhẹ nhàng theo hướng vòng tròn trong khoảng thời gian ngắn là có thể cảm thấy cơn đau giảm đi rõ rệt.
Chườm nước ấm
Chườm ấm ở vùng bụng dưới sẽ giúp tử cung được co thắt nhịp nhàng, giúp lưu thông khí huyết và giảm đau hiệu quả. Ngoài ra bạn cũng có thể tắm nước nóng để điều hòa cơ thể và làm giảm đau bụng kinh.
Tập thể dục
Tập thể dục sẽ giúp các cơ được thả lỏng, làm giải phóng hormone endorphin (hormone giúp tạo cảm xúc tích cực) làm cải thiện tâm trạng và giảm các cơn đau bụng kinh. Những bài tập giúp cải thiện tình trạng đau bụng kinh được khuyến cáo là: đi bộ, đạp xe, tập yoga.
Sử dụng gừng tươi
Gừng tươi giảm đau bụng kinh rất hiệu quả, bạn chỉ cần cắt lát hoặc giã nát một củ gừng rồi đắp lên vùng bụng dưới từ 5 – 7 phút, cơn đau được giảm rõ rệt. Ngoài ra, bạn cũng có thể uống trà gừng hoặc nấu những món ăn có gừng để giảm tình trạng đau bụng.
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Bạn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như trái cây, rau xanh, các loại ngũ cốc, gạo lứt, sữa chua, thực phẩm giàu sắt hoặc socola đen. Không nên sử dụng các loại thức ăn lạnh, cay, mặn, đồ ăn chứa nhiều chất béo và các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
Uống nước ấm
Uống nước ấm cũng kiến các cơ được dãn ra, giúp hoạt động trao đổi chất diễn ra thuận lợi hơn và làm giảm cơn đau một cách nhanh chóng.
Thay đổi tư thế nằm ngủ
Thay đổi tư thế nằm ngủ là phương pháp giảm đau được nhiều chuyên gia khuyên dùng. Có 3 tư thế giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả đó là: tư thế bào thai, tư thế trẻ em và tư thế nằm ngửa.
Vệ sinh sạch sẽ vùng kín
Để tạo cảm giác thoải mái và dễ chịu, bạn cần vệ sinh vùng kín thật sạch và thay băng vệ sinh thường xuyên. Tránh quan hệ tình dục để ngăn ngừa viêm nhiễm phụ khoa.
Sử dụng thuốc giảm đau
Để cơn đau bụng kinh giảm nhanh và hiệu quả bạn cũng có thể sử dụng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, bạn không được lạm dụng thuốc giảm đau và phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Đau bụng kinh thông thường là một hiện tượng trong chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, đau bụng kinh nếu liên quan đến các bệnh lý khác bạn cần đến bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.